Chiều ngày 5/6/2020, tại TP Đà Nẵng, Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư đã tiếp và làm việc với Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam – ông Kari Kahiluoto cùng Tham tán Matti Tervo.
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư đã giới thiệu sơ lược: EVNCPC là doanh nghiệp do EVN nắm giữ 100% vốn điều lệ, được tổ chức dưới hình thức Công ty TNHH MTV, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con. Cơ cấu quản lý gồm HĐTV, Tổng giám đốc, Kiểm soát viên, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc gồm 16 Ban chức năng. Hiện nay, Tổng công ty có 23 đơn vị thành viên (19 đơn vị trực thuộc, 4 công ty con) với tổng số lao động là 11.309 CBCNV và 8 công ty liên kết. Sứ mệnh của EVNCPC là phân phối, cung cấp điện an toàn, ổn định, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn 13 tỉnh, thành miền Trung – Tây Nguyên. Tổng công ty đang cấp điện cho 4,26 triệu khách hàng (chiếm 15,3% tổng khách hàng toàn EVN) trên diện tích hơn 96.573 km2 (tương đương 29% diện tích Việt Nam), điện năng tiêu thụ chiếm khoảng 9,2% tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc.
Đoàn tham quan Trung tâm giám sát lưới điện EVNCPC.
Đặc biệt, trong những năm qua, EVNCPC đã tích cực ứng dụng công nghệ mới trong công tác quản lý vận hành. Theo đó, toàn bộ 13 Công ty điện lực đều đã có trung tâm điều khiển xa và hệ thống SCADA; 125/125 TBA 110kV (100%) vận hành không người trực và 83,16% thiết bị đóng cắt trên lưới điện phân phối được thao tác điều khiển xa; 13 công ty điện lực đã có 18 đội hotline với đầy đủ trang thiết bị sửa chữa điện nóng lưới điện đến cấp 22kV; tất cả các công ty điện lực đã triển khai vệ sinh sứ cách điện bằng nước áp lực cao, không cắt điện; EVNCPC quản lý thông tin khách hàng trên nền Google Map đã triển khai dịch vụ điện trực tuyến… Ngoài ra, EVNCPC có Trung tâm sản xuất công tơ điện tử và đo xa, đã sản xuất trên 5 triệu sản phẩm công tơ các loại để lắp đặt cho lưới điện khu vực miền Trung – Tây Nguyên và bán ra thị trường bên ngoài. Tổng công ty cũng đã nghiên cứu, sản xuất, đưa vào vận hành các trạm sạc xe ô tô điện; đang triển khai nghiên cứu, lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng BESS trên đảo Lý Sơn trên mô hình Microgrid; thực hiện Văn phòng điện tử – Văn phòng không giấy với phần mềm CPC-eOffice… Trong thời gian tới, định hướng phát triển của EVNCPC là tiếp tục hiện đại hóa lưới điện: điều khiển xa, phát triển hệ thống DMS, công tơ điện tử và đo xa; hoàn thành lộ trình chuyển đổi số doanh nghiệp; lưới điện phát triển phù hợp với nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Ngô Tấn Cư cho biết, các năm qua, các khoản tín dụng ưu đãi từ Chính phủ Phần Lan đã góp phần rất lớn trong việc đầu tư hiện đại hóa lưới điện của EVNCPC, giảm nguy cơ tai nạn điện cho công nhân vận hành, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khách hàng. Thời gian qua, EVNCPC đã sử dụng các khoản vay tín dụng ưu đãi từ Chính phủ Phần Lan để thực hiện các dự án hiện đại hóa lưới điện và ứng dụng công nghệ mới; tổng vốn vay là 15,614 triệu EURO; nhà thầu tham gia dự án là các doanh nghiệp của Phần Lan được Chính phủ Phần Lan bảo trợ. Tính đến nay, EVNCPC đã trả nợ được 11,033 triệu EURO; dư nợ còn lại đến 31/5/2020 là 4,576 triệu EURO, thời hạn trả nợ đến năm 2027. EVNCPC sử dụng nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi song phương để thực hiện các dự án sau: Dự án miniSCADA các TP Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn và Buôn Ma Thuột; Dự án miniSCADA/DMS TP Tam Kỳ và TP Pkeiku. Trong buổi làm việc, Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư cũng đã thông tin về tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên gồm có: điện mặt trời khoảng 15.000 MWp; điện gió khoảng 12.900 MW; điện sinh khối khoảng 200 MW. Tính đến ngày 4/6/2020, khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã đưa vào vận hành 23 nhà máy điện mặt trời, điện gió (đấu nối vào lưới điện 110kV trở xuống) với tổng công suất 793MW và 4 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 114,6MW. Có 13 dự án điện gió, điện mặt trời đang triển khai, dự kiến đóng điện trong năm 2020 với tổng công suất 431MW. Tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 23.761MW; ngoài ra, số khách hàng đăng ký làm ĐMTMN lên đến gần 1.300 MW. Sau khi nghe Tổng giám đốc EVNCPC Ngô Tấn Cư chia sẻ thông tin, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam – ông Kari Kahiluoto cho biết, Phần Lan có các công ty nổi tiếng về lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió…) và mong muốn được hợp tác với EVNCPC. Phía EVNCPC đề nghị tổ chức 1 cuộc hội thảo và mời các công ty Phần Lan trình bày các sản phẩm và giải pháp của mình, Tổng công ty sẽ mời các đơn vị liên quan để cùng tham gia tìm hiểu vấn đề này. Trong tương lai, EVNCPC mong muốn mở rộng và nâng cấp hệ thống lưới điện do nhu cầu của khách hàng ngày càng tăng và Tổng công ty phấn đấu để nâng cao chất lượng dịch vụ nên EVNCPC mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Phần Lan để tìm kiếm các nguồn vốn ưu đãi của Phần Lan.Lê Hải