Nhiều nước trên thế giới đang đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng để thúc đẩy năng lượng tái tạo (NLTT), nhất là năng lượng mặt trời nhằm chủ động về nguồn cung từ nguồn năng lượng sạch. Singapore – Quốc đảo ở Đông Nam Á cũng bắt kịp xu thế khi đưa ra nhiều mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo.
Ảnh minh họa. Theo thống kê của Cơ quan Năng lượng quốc gia Singapore, 95% lượng điện tiêu thụ của Singapore dựa vào nguồn khí đốt nhập khẩu. Thêm vào đó, việc tích trữ và sử dụng công nghệ lọc nước biển thành nước ngọt, khắc phục tình trạng thiết nước ngọt cũng đẩy Singapore tiệm cận nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng trong tương lai. Theo ông Chan Chun Sing – Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết, nước này đang phải đối mặt với những thách thức mới và cấp bách liên quan tới biến đổi khí hậu. Thực tế, tại Singapore, mực nước biển dâng cao trong khi thời tiết cũng ngày càng nóng hơn và mưa nhiều hơn. Tuy nhiên, Singapore lại có rất ít sự lựa chọn năng lượng thay thế bởi vì diện tích đất hạn hẹp, không có nguồn thủy điện hoặc địa nhiệt và tốc độ gió rất thấp. Để giải quyết vấn đề này, Singapore tập trung mở rộng việc sử dụng năng lượng mặt trời (NLMT). Cơ quan Điều tiết quản lý thị trường Năng lượng Singapore (EMA) đặt ra mục tiêu, công suất điện mặt trời (ĐMT) phải đạt công suất ít nhất là 2 GW vào năm 2030, tương đương với mức tăng hơn 10% nhu cầu điện năng của đất nước. “Singapore sẽ triển khai hệ thống dự trữ năng lượng (ESS) khoảng 200 MW sau năm 2025, tạo điều kiện nâng cao sản lượng ĐMT. Trong 10 năm tới, chúng tôi dự kiến, năng lượng mặt trời với ESS sẽ có được số vốn đầu tư tương đương vốn đầu tư cho các tuabin khí hiện tại”, ông Chan cho biết thêm. Để đáp ứng mục tiêu sử dụng NLMT trong giai đoạn tới, Chính phủ Singapore sẽ mở rộng chương trình SolarNova. Dự kiến, đến hết năm 2020, 50% diện tích các mái nhà sẽ được lắp đặt pin mặt trời, nhất là là trên mái nhà thuộc khu vực công sở. Chính phủ sẽ đi đầu trong việc lắp đặt ĐMT trên mái nhà tại các tòa nhà công ích. “Chúng ta có thể tưởng tượng, mọi tòa nhà cao tầng, các bức tường và thậm chí là các cửa sổ đều có thể trở thành nơi thu gom NLMT. Điều này về cơ bản sẽ làm tăng sản lượng điện từ NLMT mà Singapore có thể sản xuất”, ông Chan cho biết. Bên cạnh việc lắp đặt nhiều tấm pin mặt trời hơn cho các tòa nhà, Singapore cũng lên kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện mặt trời nổi trong các hồ nước lên khoảng 160MW. Từ giữa năm 2019, Singapore đã tuyên bố, sẽ triển khai hệ thống điện mặt trời nổi với công suất 50 MW trên hồ chứa nước Tengeh vào năm 2021. Hệ thống điện nổi này khi hoàn thành, sẽ có thể loại bỏ lượng khí thải lên tới 28.000 tấn CO2/năm, tương đương với việc loại bỏ 6.000 xe hơi tại Singapore. Khi được xây dựng xong, đây sẽ là hệ thống ĐMT nổi quy mô lớn đầu tiên tại Singapore và là một trong những hệ thống ĐMT lớn nhất thế giới. Mới đây, Singapore đang xem xét nhập khẩu ĐMT khi quốc đảo này đang tiến hành đa dạng hóa nguồn năng lượng và tiến tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính xuống mức 0 vào nửa sau của thế kỷ 21. Theo phát ngôn viên EMA, để đạt được mục tiêu này, Singapore sẽ cần phát triển mạnh việc lắp đặt các tấm pin mặt trời trên các bề mặt sẵn có, gồm mái nhà, hồ chứa, không gian ngoài biển và trên bề mặt đứng của các tòa nhà.
LInk gốc Theo: TKNL